Nhiều tỉnh lân cận dừng xe khách đến TP HCM để ngăn Covid-19 xâm nhập sau khi thành phố lớn này xuất hiện hai ổ dịch, tổng cộng 90 ca nhiễm trong ba ngày qua.
Long An, sau khi đầu bếp nam, 45 tuổi, quê huyện Cần Giuộc, bị lây bệnh từ đồng nghiệp tại khách sạn 5 sao Sheraton ở TP HCM, tỉnh phát hiện thêm ca nghi nhiễm ở TP Tân An. Đó là người đàn ông 51 tuổi, ở TP Tân An, từng tiếp xúc với một người ở quận 12, TP HCM.
Trước việc các ca nhiễm liên quan TP HCM, UBND tỉnh cho ngưng hoạt động các tuyến vận tải hành khách theo hình thức xe tuyến cố định và xe buýt đi và đến địa bàn. Tất cả chuyến xe hợp đồng chở không quá 50% sức chứa, không quá 20 người một chuyến (ngoại trừ hoạt động xe đưa rước công nhân và nhân viên).
Hành khách buộc phải mang khẩu trang; ngồi xen kẽ hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; trên xe phải có trang bị dung dịch khử khuẩn phục vụ hành khách, thực hiện khử khuẩn sau mỗi chuyến vận chuyển; thực hiện lập và lưu trữ danh sách hành khách trên từng chuyến đi.
Giáp ranh với tỉnh này, Sở Giao thông Vận Tiền Giang đã dừng hoạt động vận tải hành khách đến Long An và TP HCM.
Kể từ 0h ngày 30/5, UBND Lâm Đồng dừng toàn bộ các loại xe khách từ TP HCM vào tỉnh này cho đến khi có thông báo mới. Sở Giao thông Vận tải được giao phối hợp lực lượng chức năng, địa phương liên quan kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Từ sáng nay, tỉnh này đã kích hoạt 5 chốt kiểm soát dịch, chủ yếu từ hướng quốc lộ, tỉnh lộ từ Đồng Nai, Bình Thuận vào Lâm Đồng. Ngoài ra, các chốt mới được lập ở huyện Cát Tiên, Bảo Lâm, huyện Di Linh, huyện Đơn Dương, huyện Lạc Dương, Đam Rông.
Bình Thuận yêu các xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch đi và đến TP HCM và các tỉnh xuất hiện dịch phải dừng chạy từ hôm nay đến hết ngày 4/6.
“Tùy theo diễn biến dịch bệnh, Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh quyết định thời gian hoạt động trở lại”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong cho biết. Cùng với đó địa phương sẽ kích hoạt lại tổ kiểm tra y tế tại các bến xe, bến cảng, bến tàu; chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, quản lý chặt chẽ xe trả khách dọc quốc lộ. Tuyến Phan Thiết – Phú Quý sẽ không chở khách từ các tỉnh, thành có dịch ra đảo.
Dịch vụ ăn uống, giải khát phải giảm 50% công suất bán tại chỗ, khuyến khích bán mang đi, sắp xếp lại bàn ghế giãn cách, bàn cách bàn tối thiểu 2 m. Các hoạt động nghi lễ tôn giáo tập trung trên 10 người cũng được yêu cầu dừng. Tòa giám mục Phan Thiết đã thông báo đến tất cả nhà thờ trên toàn tỉnh không tổ chức các thánh lễ đông người.
Cách TP HCM gần 100 km, Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút đông du khách vui chơi, tắm biển mỗi dịp cuối tuần. Khác với hình ảnh đông nghịt ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4, gần một tháng qua các bãi biển vắng hoe vì người dân e dè đi du lịch khi đợt dịch bùng lên ở các tỉnh phía Bắc.
Chưa ghi nhận ca nhiễm ngoài cộng đồng, song trước việc TP HCM phát hiện hai ổ dịch, tổng cộng 90 ca nhiễm, trong đó, chuỗi lây nhiễm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng là chuỗi lớn nhất với 85 ca bệnh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục siết chặt phòng dịch, sau khi dừng dịch vụ không thiết yếu từ hồi đầu tháng. Từ hôm nay, xe dịch vụ, hợp đồng, buýt, taxi… chở khách không quá 50% số ghế và dưới 20 người.
Dịch vụ ăn uống tại chỗ, thức ăn đường phố, nhà hàng (kể cả nhà hàng trong khách sạn) không phục vụ quá 20 người cùng lúc. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe, spa, xông hơi; sân khấu ca nhạc, rạp chiếu phim, karaoke…; sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng phải dừng. Các cơ quan tổ chức mỗi cuộc họp không quá 30 người…
Là tỉnh giáp TP HCM qua huyện Củ Chi, UBND Tây Ninh hôm nay yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Y tế và Công an tỉnh lập các chốt chặn cửa ngõ vào từ hướng Sài Gòn để phòng Covid-19. Các hoạt động thể thao ngoài trời, các nghi lễ tôn giáo trên 20 người… không được phép tổ chức. Khu du lịch Khu du lịch núi Bà Đen ngưng đón khách.
Tối 28/5, Tây Ninh phát hiện bé trai 2 tuổi dương tính nCoV, là F1 của người mẹ làm việc tại TP HCM. Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã truy vết 11 trường hợp F1, đưa đi cách ly. Cơ quan chức năng đã phong tỏa khu vực 32 hộ dân ở ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành – nơi có nhà của bệnh nhân.
Bình Dương sau khi ghi nhận một người ở phường Đông Hòa, TP Dĩ An, dương tính nCoV (là F1, liên quan ổ dịch ở TP HCM, đã được cách ly và điều trị tại TP HCM), tỉnh cũng siết chặt kiểm tra các tuyến xe khách đến các tỉnh; yêu cầu người dân không tổ chức, dừng sự kiện hoạt động tập trung đông người gồm: Lễ hội, tiệc cưới, các điểm tham quan, du lịch, chợ đêm, thể thao, hồ bơi, công viên, thả diều….
Tiệm masage, bar, phòng game, karaoke, spa, làm đẹp, yoga, nhà hàng tiệc cưới cũng tạm dừng. Các quán cà phê, ăn uống không tập trung quá 10 người, giữ khoảng cách, áp dụng thực hiện bán mang về.
Là tỉnh có nhiều người dân di cư vào TP HCM sinh sống, làm việc, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu từ 30/5, những người từ Sài Gòn đến Quảng Ngãi cách ly tại nhà 21 ngày. Người dân có tiếp xúc với hoạt động Hội thánh Truyền giáo Phục hưng và đi khám bệnh tại các bệnh viện đã ghi nhận ca bệnh tại TP HCM về Quảng Ngãi trong 14 ngày qua phải chủ dộng liên hệ với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh qua số điện thoại 0914021022 để hướng dẫn xét nghiệm, thực hiện các biện pháp y tế kịp thời.
Tỉnh Quảng Ngãi đã lập hai chốt y tế ở cửa ngõ phía Nam tỉnh để kiểm soát người về từ TP HCM và các tỉnh phía Nam. Từ cuối tháng 4 đến nay, tỉnh ghi nhận một ca Covid-19 trong cộng đồng, nam “bệnh nhân 3.067” 25 tuổi, ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi từng đến bar New Phương Đông (TP Đà Nẵng), nơi ghi nhận hàng loạt ca nhiễm bệnh. Hiện nam thanh niên đã có kết quả âm tính lần một với nCoV.
Lãnh đạo Quảng Ngãi đánh giá nguy cơ dịch lây trong cộng đồng rất lớn, nên ngoài biện pháp cách ly người từ các địa phương có dịch, Quảng Ngãi yêu cầu các doanh nghiệp và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh thực hiện các biện pháp chống dịch ở Khu công nghiệp Tịnh Phong, VSIP Quảng Ngãi…