Nhận định về vụ đại uý công an đứng nhìn tài xế taxi vật lộn, bắt kẻ bị truy nã đặc biệt ở Hà Nội, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng hình thức kỷ luật cảnh cáo còn quá nhẹ.
Công an huyện Thanh Oai ngày 17-5 đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với đại úy Nguyễn Văn Lâm, cán bộ Công an xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), vì thiếu trách nhiệm trong việc bắt giữ nghi phạm cướp taxi gây xôn xao dư luận vào chiều ngày 15-5.
Hình ảnh đại úy công an đứng gọi điện trong khi người dân đang vật lộn với tên cướp có hung khí và là đối tượng đang bị truy nã đặc biệt về tội giết người – Ảnh cắt từ clip
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc đại úy Nguyễn Văn Lâm vô cảm đứng cầm điện thoại nhìn người dân vật lộn với tên cướp chỉ bị xử lý với hình thức kỷ luật cảnh cáo là quá nhẹ. Thậm chí, nhiều người đề nghị nên tước danh hiệu Công an nhân dân đối với đại uý Lâm.
Phó giáo sư, tiến sĩ luật, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên phó chánh án TAND tối cao, cho rằng thái độ của đại uý Nguyễn Văn Lâm là không thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, đại úy công an trên cần nhanh chóng lao vào khống chế tên cướp thay vì đứng cầm nhắn tin, gọi điện thoại. “Bắt cướp là nhiệm vụ, trách nhiệm của công an chứ không phải công an giúp dân bắt cướp. Hành động thiếu trách nhiệm của đại úy này làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người chiến sĩ công an, gây hình ảnh phản cảm trong dư luận xã hội. Đại úy này không xứng đáng là người chiến sĩ công an. Cần phải tước danh hiệu công an nhân dân để xây dựng lại hình ảnh người chiến sĩ công an trong mắt nhân dân”- ông Độ nêu quan điểm và cho rằng cần có một hình thức kỷ luật nặng hơn đối với cán bộ công an này. Thậm chí trong trường hợp nếu nạn nhân chết, đại úy này còn có thể bị truy cứu trách nghiệm hình sự.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cũng cho rằng việc người dân bắt cướp, còn cảnh sát “thờ ơ, vô cảm” đứng nhìn là chuyện chưa từng xảy ra. Ngoài ra, hình thức kỷ luật cảnh cáo là vội vàng và chưa tương xứng với tính chất của sự việc. Theo đó, cơ quan chức năng cần phải xem xét đến hậu quả nạn nhân tới đây có tử vong hay không (trong quá trình điều trị) để xem xét trách nhiệm pháp lý, đồng thời áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc thì mới đủ sức răn đe, giữ gìn được hình ảnh của người chiến sĩ công an.
“Thái độ của đại uý công an này thể hiện quá trình tu dưỡng, rèn luyện kém, không có kỹ năng đối phó với tội phạm, không xứng đáng đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân. Theo cá nhân tôi, nếu nạn nhân không tử vong thì cũng cần kỷ luật ở mức cao nhất với cán bộ này là tước danh hiệu công an nhân dân nếu anh ta không tự viết đơn xin ra khỏi ngành”- ông Cường nêu rõ.
Ngoài vấn đề đạo đức xã hội, luật sư Cường còn nhận định đây là chuyện hết sức phản cảm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Pháp luật quy định người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bản thân có điều kiện giúp đỡ nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì người không cứu giúp trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể hình phạt đến 2 năm tù, với người có trách nhiệm giúp đỡ nạn nhân, nghề nghiệp đòi hỏi phải giúp đỡ nạn nhân mà không cứu giúp nạn nhân thì có thể bị xử lý đến 5 năm tù. Cụ thể, tội danh và hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo công an, Đặng Phạm Sáu trước đó bị Công an tỉnh Thanh Hóa truy nã đặc biệt về tội Giết người. Ngày 23-4-2021, Sáu cùng một người bạn đến tiệm cầm đồ Hải Lý ở phố Quang Trung, thị trấn Phong Sơn (Thanh Hóa), để chuộc tài sản, nhưng chủ tiệm đã thanh lý đồ cầm cố của Sáu.
Trong lúc mâu thuẫn, Sáu dùng dao đâm tử vong con trai của chủ tiệm cầm đồ rồi bỏ trốn. Đến ngày 28-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định truy nã đặc biệt bị can Đặng Phạm Sáu.